1. Lý do chọn đề tài:
Phật giáo được khởi nguồn từ Ấn Độ, trải qua hàng nghìn năm lịch sử của nhân loại để phát triển, tồn tại và trở thành một trong những tôn giáo lớn nhất trên thế giới hiện nay. Từ sau khi ra đời đến nay, với hệ thống giáo lý chặt chẽ hướng con người đến những điều chân – thiện – mỹ, giác ngộ về chính bản thân mình và vũ trụ, Phật giáo sở hữu số lượng Phật tử đông đảo ở khắp các nơi trên thế giới. Trong đó, không thể không kể đến sự ra đời và phát triển của Phật giáo ở Hàn Quốc. Phật giáo Hàn Quốc được truyền thừa và ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo Đại Thừa của Trung Hoa.
Đến nay, Phật giáo đã tồn tại ở Hàn Quốc được khoảng hơn 1600 năm, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành tôn giáo lớn nhất của Hàn Quốc. So với thời kỳ đầu mới du nhập, Phật giáo của Hàn Quốc đã có nhiều sự biến đổi. Đồng thời, với vai trò là tôn giáo quan trọng nhất của quốc gia, Phật giáo đã và đang có ảnh hưởng sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Hàn Quốc.
Vì vậy, đề tài “ Sự phát triển của Phật giáo ở Hàn Quốc hiện nay” được ra thực hiện để làm rõ hơn về những đặc trưng nổi bật và sự biến đổi đổi của Phật giáo Hàn Quốc trong xã hội hiện đại. Đồng thời, đề tài cũng chỉ ra vai trò của Phật giáo đối với các lĩnh vực trong đời sống của đất nước Hàn Quốc hiện nay.
2. Mục đích nghiên cứu:
Đề tài nghiên cứu này kế thừa và tổng hợp dựa trên các công trình nghiên cứu liên quan với các mục đích:
(1) Tìm hiểu nguồn gốc du nhập và quá trình truyền bá của Phật giáo vào Hàn Quốc.
(2) Nghiên cứu, làm rõ sự phát triển của Phật giáo ở Hàn Quốc qua các giai đoạn, đặc biệt là ở thời kỳ hiện đại từ đó phân tích vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội hàn Quốc hiện nay.
(3) Tiến hành so sánh sự phát triển của Phật giáo ở Hàn Quốc và ở Việt Nam để rút ra những điểm tương đồng và khác biệt về cách tiếp nhận văn hóa, tư tưởng của hai quốc gia về cùng một đối tượng tiếp nhận.
3. Lịch sử vấn đề:
Tôn giáo là một trong những lĩnh vực quan trọng không thể thiếu khi nghiên cứu về mặt văn hóa xã hội của một quốc gia. Thật vậy, Phật giáo hiện nay là tôn giáo quan trọng và lớn nhất của Hàn Quốc cùng với số lượng tín đồ đông đảo trên khắp cả nước. Vì thế, từ trước đến nay, đề tài Phật giáo ở Hàn Quốc đã được đông đảo những người quan tâm đến Hàn Quốc chọn lựa, nghiên cứu và không còn là đề tài quá lạ lẫm.
Trong phạm vi tài liệu có liên quan đến đối tượng nghiên cứu mà chúng tôi bao quát được, chúng tôi tiến hành phân theo hai mảng nội dung chính, bao gồm: 3.1. Quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo ở Hàn Quốc qua các giai đoạn và 3.2. Các nghiên cứu so sánh Phật giáo Hàn Quốc với các đối tượng khác
3.1.Quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo ở Hàn Quốc qua các giai đoạn
Nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển của hệ thống tư tưởng Hàn Quốc trong suốt chiều dài lịch sử từ thời kỳ đồ đá đến thời kỳ tiếp xúc với tư tưởng hiện đại, quyển “Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc” của nhóm tác giả Kim Seong Beom, Kim Sang Ho và Đào Vũ Vũ biên soạn và xuất bản năm 2011 cung cấp cho người đọc những nội dung phong phú về hai trào lưu tư tưởng cơ bản của Hàn Quốc có nguồn gốc từ phương Đông (Trung Quốc) là Phật giáo và Nho giáo. Trong phần viết về Phật giáo, tác phẩm đề cập quá trình du nhập và suy thịnh của Phật giáo đồng thời thể hiện vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp “hộ quốc”.
Bài nghiên cứu khoa học “ Đa dạng tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Hàn Quốc hiện nay” của tác giả Nguyễn Nghị Thanh viết vào năm 2017 được đăng trên diễn đàn Trung tâm nghiên cứu Đông Bắc Á đã làm rõ sự đa dạng tôn giáo ở Hàn Quốc đồng thời thể hiện tình hình phát triển các tôn giáo ở Hàn Quốc trong thời kỳ hiện nay nói chung và Phật giáo Hàn Quốc nói riêng.
"한국불교의 오늘과 내일: 한국불교학의 연구현황을 중심으로" của 심재룡 là bài nghiên cứ khoa học nghiên cứu về hai phần là Phật giáo truyền thống và Phật giáo hiện đại của Hàn Quốc. Tác giả đã tìm hiểu và làm rõ xu hướng phát triển, vai trò và thách thức của Phật giáo trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay.
3.2. Các nghiên cứu so sánh Phật giáo Hàn Quốc với các đối tượng khác
“Tôn giáo ở Hàn Quốc và Việt Nam: nghiên cứu so sánh” được xuất bản năm 2007 của Ngô Xuân Bình và Phạm Hồng Thái đã đưa ra nhận xét về điểm tương đồng và khác biệt giữa tôn giáo Hàn Quốc và Việt Nam dựa trên diện mạo các tôn giáo chính, hoàn cảnh sinh tồn và nguồn gốc chủng tộc của mỗi dân tộc. Qua đó, có thể cho thấy Phật giáo của hai quốc gia này đều nghiêng về những mối quan tâm có tính thế tục của các cư dân nông nghiệp Á Đông.
Bài báo "A brief comparison of Korean and Vietnamese Buddhism" được đăn trên kênh Buddhism Online là sự so sánh sơ lược về sự tương đồng và khác biệt giữa Phật giáo Hàn Quốc và Phật giáo Việt Nam, giúp người đọc hiểu được căn bản Phật giáo giữa hai quốc gia này.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là Phật giáo trong thời kỳ hiện đại. Đề tài tập trung nghiên cứu sự phát triển của Phật giáo trong thời điểm hiện nay dựa trên quá trình hình thành của các thời kỳ trước. Đồng thời, đề tài cũng nghiên cứu về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình truyền bá cũng như vai trò của Phật giáo trên các lĩnh vực khác trong đời sống ở Hàn Quốc hiện nay.
Do tính chất, yêu cầu của nội dung và đối tượng nghiên cứu, chúng tôi tiến hành hạn định đối tượng theo không gian, thời gian, chủ thể như sau:
Chủ thể nghiên cứu là Phật giáo ở Hàn Quốc.
Không gian nghiên cứu là đất nước Hàn Quốc.
Thời gian nghiên cứu là thời điểm hiện nay, khi Hàn Quốc đã là một quốc gia hiện đại, phát triển và người dân có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn:
5.1.Ý nghĩa khoa học:
Tiểu luận này góp phần nghiên cứu về tôn giáo – một trong những lĩnh vực quan trọng để tìm hiểu sâu về văn hóa của một quốc gia, cụ thể là nghiên cứu về Phật giáo trong thời kỳ hiện nay trên nhiều phương diện. Đồng thời, đề tài này còn đóng góp về mặt lý thuyết và khẳng định tầm quan trọng của Phật giáo trong xã hội Hàn Quốc hiện nay.
5.2.Ý nghĩa thực tiễn:
Với tiểu luận này, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần vào việc tìm hiểu, nghiên cứu về nguồn gốc du nhập và sự phát triển của Phật giáo Hàn Quốc trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, đề tài này sẽ trở thành tài liệu tham khảo cần thiết cho những người muốn tìm hiểu về tôn giáo Hàn Quốc nói chung và Phật giáo Hàn Quốc nói riêng.
6. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu:
Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết: Dựa trên nguồn tư liệu từ các bài nghiên cứu đã có để tham khảo có chọn lọc từ đó phân tích, tổng hợp các giá trị thông tin cần thiết cho đề tài của mình.
Phương pháp lịch sử: Tìm hiểu về nguồn gốc ra đời, quá trình du nhập và phát triển của đối tượng, cụ thể là Phật giáo Hàn Quốc, từ đó rút ra được bản chất và quy luật của đối tượng.
Phương pháp liên ngành: Dựa trên cơ sở tri thức ở các chuyên ngành khoa học xã hội liên quan đến đề tài như nhân học, văn hóa học, tôn giáo học … để phân tích, tổng hợp và rút ra kết luận về các khía cạnh cần thiết đến sự phát triển của Phật giáo ở Hàn Quốc hiện nay.
Phương pháp so sánh: Tiến hành so sánh đối tượng trên nhiều phương diện khác nhau để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt. Thứ nhất, tiến hành so sánh Phật giáo với các tôn giáo đang phát triển cùng thời ở Hàn Quốc. Thứ hai, tiến hành so sánh Phật giáo Hàn Quốc với Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Tài liệu tham khảo: Gồm nhiều nguồn tài liệu đa dạng như sách chuyên khảo, các công trình nghiên cứu khoa học có liên quan đến đề tài tôn giáo Hàn Quốc cụ thể là Phật giáo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành, các bài viết được đăng trên các diễn đàn tôn giáo.
7. Bố cục của luận văn:
Phần chính của tiểu luận ngoài phần Dẫn nhập và Kết luận còn có 3 chương sau:
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT CHUNG VỀ NGUỒN GỐC VÀ QUÁ TRÌNH TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO Ở HÀN QUỐC
Giống như tên gọi, chương 1 trình bày sơ lược về sự hình thành của Phật giáo trên thế giới và quá trình Phật giáo du nhập vào bán đảo Hàn.
CHƯƠNG 2: TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO Ở HÀN
QUỐC HIỆN NAY
Chương 2 trình bày, nhận xét về mức độ tăng trưởng của Phật giáo Hàn Quốc qua các năm và tiến hành so sánh với các tôn giáo khác thông qua các số liệu thống kê. Qua đó, nghiên cứu chuyên sâu và rút ra đặc điểm cũng như thuận lợi và khó khăn của Phật giáo ở Hàn Quốc trong thời kỳ hiện đại. Đồng thời, chương này còn nêu lên vai trò của Phật giáo trong xã hội Hàn Quốc hiện nay.
CHƯƠNG 3: SO SÁNH PHẬT GIÁO HÀN QUỐC VÀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY
Thông qua việc nghiên cứu, phân tích một cách khách quan, ở chương 3 này, chúng tôi sẽ đưa ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa Phật giáo ở Hàn Quốc và Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn, đặc biệt là ở thời điểm hiện nay.
<< Sửa đổi bởi: Giangthithuyhuyen -- 12/10/2018 12:13:06 AM >>