1. Lý do chọn đề tài
Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của con người cũng ngày càng được nâng cao, vì thế đòi hỏi con người phải luôn phải cố gắng hết sức để hoàn thành công việc của mình. Và sự quá tải trong công việc, trong học tập là một trong những nguyên nhân khiến con người dễ mắc các bệnh về tâm lý, đặc biệt là trầm cảm.
Giờ đây, trầm cảm đã trở thành một trong những bệnh phổ biến và đang có xu hướng ngày càng tăng ở nhiều nước trên Thế giới. Ở Việt Nam, “khoảng 30% dân số Việt Nam bị rối loạn tâm thần, trong đó, trầm cảm chiếm tới 15-25%. Đáng lo ngại là tỷ lệ này đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt ở thanh thiếu niên”[1]. Cũng giống như Việt Nam, Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ bệnh trầm cảm khá cao. “Khoảng 5,6% dân số Hàn Quốc (tương đương 2 triệu người) từng trải qua trầm cảm ít nhất một lần...”[2]. Và giới trẻ chính là đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc. Theo khảo sát của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc vào năm 2017 thì đối tượng ở độ tuổi từ 19-29 tuổi có tỷ mắc bệnh trầm cảm ngày càng tăng, điển hình là vào năm 2012 là 9,3% nhưng đến năm 2015 đã tăng đến 14,9%[3].
Từ những vấn đề thực tiễn trên ta có thể thấy, trầm cảm là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm và đang có xu hướng ngày càng lan rộng. Vì thế, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Vấn đề trầm cảm ở giới trẻ Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay” nhằm có thể hiểu rõ vấn đề trầm cảm của giới trẻ Hàn Quốc, đồng thời cũng nắm được nguyên nhân và diễn biến của bệnh đối với giới trẻ Hàn Quốc trong những năm đó. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu này cũng đóng góp thêm phần tư liệu, giúp mọi người có thêm nguồn tham khảo về vấn đề trầm cảm của giới trẻ Hàn Quốc.
2. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu đề tài là nhằm nắm được thực trạng vấn đề, biểu hiện của bệnh trầm cảm ở giới trẻ Hàn Quốc, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ Hàn Quốc mắc căn bệnh này.
Ngoài ra, cũng tiến hành so sánh vấn đề trầm cảm ở giới trẻ Hàn Quốc với vấn đề trầm cảm ở giới trẻ Việt Nam và đưa ra một số giải pháp phù hợp nhằm giúp giới trẻ nhận biết sớm và chủ động phòng ngừa căn bệnh trầm cảm.
3. Lịch sử vấn đề
Trầm cảm hiện nay đã không còn là một vấn đề nghiên cứu mới mẻ vì đã có rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia tâm lý nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, trong phạm vi tài liệu mà chúng tôi bao quát được, thì hiện nay, các bài nghiên cứu đa phần chỉ đề cập đến vấn đề trầm cảm ở người lớn tuổi, hoặc các phân tích về bệnh trầm cảm nói chung chứ chưa có bài nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề trầm cảm ở giới trẻ Hàn Quốc. Do nguồn tư liệu về đề tài này rất nhiều nên chúng tôi chỉ chọn lọc và phân tích những điểm tiêu biểu được trích từ các bài nghiên cứu tổng hợp.
Trong bài nghiên cứu của Ths.Bs Nguyễn Ngọc Quang với chủ đề “Bệnh trầm cảm trong thời đại hiện nay”, tác giả đã đưa ra nhiều kiến thức liên quan đến trầm cảm, có những phân tích cụ thể, rõ ràng về các căn bệnh trầm cảm thường gặp. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra được nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm và phương pháp điều trị dưới góc độ của một chuyên gia. Bài nghiên cứu của Ths.Bs Nguyễn Ngọc Quang là bài nghiên cứu rõ ràng, chi tiết và có tính chuyên môn hóa cao, tuy nhiên, tác giả chỉ nói về bệnh trầm cảm, nguyên nhân, cách điều trị mà không có những phân tích cụ thể về các đối tượng co nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Báo cáo chuyên đề của tác giả Trần Quỳnh Anh về “Dấu hiệu trầm cảm ở sinh viên hệ Y học dự phòng trường Đại học Y Hà Nội và một số yếu tố liên quan” đã chỉ ra được những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở đối tượng sinh viên là do các vấn đề về tài chính và các vấn đề trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Tác giả đã khảo sát trên 450 sinh viên của trường và phân tích kết quả dựa vào thang đo trầm cảm CES-D (The Centre for Epidemiological) nên giúp cho bài nghiên cứu có độ chính xác cao, đồng thời cũng tăng thêm độ tin cậy với người đọc.
Ở Hàn Quốc, có nhiều bài nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề trầm cảm, trong đó có bài nghiên cứu “일 대학 대학생의 우울증 인식도 및 우울증 지원프로그램 수요조사” của nhóm tác giả đến từ trường Đại học Kyung-hee. Trong bài nghiên cứu, nhóm tác giả đã đưa ra số liệu cụ thể để chỉ ra mối nguy hại của bệnh trầm cảm đối với sinh viên. Ngoài ra, bài nghiên cứu cũng đã phân tích và làm rõ nhận thức của sinh viên về tính cần thiết của các trung tâm tình nguyện trong việc hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm.
Trong bài nghiên cứu “한국 및 러시아 한국계 청소년 우울증의 사회심리적 위험요인에 대한 횡문화 비교 연구” tác giả đã tiến hành phân tích dữ liệu dựa trên thang đánh giá trầm cảm BECK. Ngoài ra, bài nghiên cứu cũng đưa ra số liệu cụ thể để so sánh về nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở thanh thiếu niên Hàn Quốc và Nga. Theo đó, nguyên nhân gây ra trầm cảm ở thanh thiếu niên Hàn Quốc là do giới tính, thành tích học tập, sức khỏe, mối quan hệ với gia đình và bạn bè, còn đối với thanh thiếu niên nước Nga chỉ có ba nguyên nhân là giới tính, thành tích học tập và mối quan hệ với gia đình. Đồng thời, theo bài nghiên cứu, tỷ lệ thanh thiếu niên Hàn Quốc mắc bệnh trầm cảm là 26,5%, trong khi đó, tỷ lệ thanh thiếu niên nước Nga chỉ chiếm 7,4%. Tuy đây là bài nghiên cứu mang tính khoa học cao nhưng nhìn chung chỉ đưa ra được kết quả so sánh giữa hai nước về nguyên nhân trầm cảm chứ chưa nêu rõ hậu quả của vấn đề.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là vấn đề trầm cảm của giới trẻ Hàn Quốc.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Do tính chất, yêu cầu của nội dung và đối tượng nghiên cứu, chúng tôi tiến hành giới hạn đối tượng theo chủ thể, không gian và thời gian như sau:
Chủ thể nghiên cứu là giới trẻ Hàn Quốc (độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi).
Không gian nghiên cứu là ở Hàn Quốc.
Thời gian nghiên cứu là từ năm 2000 đến nay.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
5.1. Ý nghĩa khoa học
Qua những gì nghiên cứu được, tiểu luận giúp người đọc có thêm cơ sở khoa học để nhìn nhận về vấn đề trầm cảm ở giới trẻ Hàn Quốc, đồng thời, cũng góp phần cung cấp thêm những luận cứ khoa học cho những bài nghiên cứu sau này.
5.2. Ý nghĩa thực tiễn
Nội dung của đề tài sẽ là nguồn thông tin hữu ích để mọi người có thể hiểu rõ hơn về vấn đề trầm cảm, đặc biệt là ở giới trẻ Hàn Quốc. Ngoài ra, tiểu luận cũng đóng góp tư liệu tham khảo bằng tiếng Việt giúp cho những ai nghiên cứu về vấn đề này ở Việt Nam.
6. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
Phương pháp thu thập và xử lý thông tin: tiến hành đọc, thu thập thông tin từ các công trình nghiên cứu, các bài luận văn, các bài báo khoa học có liên quan đến vấn đề trầm cảm ở giới trẻ Hàn Quốc, sau đó tiến hành tổng hợp, phân tích nhằm làm rõ vấn đề nghiên cứu.
Phương pháp so sánh: so sánh tình hình xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những giai đoạn từ năm 2000 đến nay để nắm được nguyên nhân, thực trạng của vấn đề trầm cảm ở giới trẻ giữa hai nước và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Tư liệu tham khảo: bao gồm nhiều nguồn tư liệu khác nhau như luận văn, các công trình nghiên cứu, tài liệu trên các trang mạng,… có nội dung liên quan đến vấn đề nghiên cứu hoặc được đề cập trong bài nghiên cứu.
7. Bố cục của luận văn
Bài tiểu luận ngoài phần Dẫn nhập và Kết luận thì còn có các chương như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận của vấn đề trầm cảm và tình hình xã hội Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay
Trong chương này, chúng tôi sẽ làm rõ các khái niệm và nội dung liên quan đến trầm cảm, nắm bắt một cách khái quát tình hình xã hội Hàn Quốc để tiến hành phân tích nguyên nhân của căn bệnh trầm cảm ở giới trẻ Hàn Quốc.
Chương 2: Nguyên nhân, biểu hiện, hậu quả của bệnh trầm cảm ở giới trẻ Hàn Quốc và phương pháp điều trị bệnh
Đối với chương 2 này, chúng tôi sẽ làm rõ các biểu hiện và hậu quả của bệnh, đưa ra những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở giới trẻ Hàn Quốc, bao gồm nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, sau khi nắm bắt được nguyên nhân, chúng tôi tiến hành đưa ra những biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh thiết thực dành cho giới trẻ Hàn Quốc hiện nay.
Chương 3: So sánh vấn đề trầm cảm ở giới trẻ Hàn Quốc với vấn đề trầm cảm ở giới trẻ Việt Nam trong giai đoạn gần đây
Ở chương này, chúng tôi sẽ đưa ra những nhận xét về điểm giống nhau và khác nhau giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong vấn đề trầm cảm ở giới trẻ giai đoạn gần đây, từ đó làm rõ hơn về thực trạng vấn đề trầm cảm đang diễn ra tại Hàn Quốc.
[1] Ban Thời sự. 2018. “Gia tăng chứng trầm cảm, lo âu ở thanh thiếu niên – Chuyện không thể xem nhẹ”. www.vtv.vn. https://vtv.vn/doi-song/gia-tang-chung-tram-cam-lo-au-o-thanh-thieu-nien-chuyen-khong-the-xem-nhe-20180413184516223.htm. 13-04-2016
[2] Minh Nguyên. 2016. “Giải mã nguyên nhân người Hàn Quốc tự tử nhiều”. www.vnexpress.net. https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/giai-ma-nguyen-nhan-nguoi-han-quoc-tu-tu-nhieu-3349371.html. 28-01-2016
[3] 김단비, 정지영. “숨막힌 청춘... 50대 제친 20대 우울증”. www.news.donga.com. http://news.donga.com/3/all/20170404/83675384/1. 04-04-2017
<< Sửa đổi bởi: lk.duyen -- 7/10/2018 11:11:05 PM >>